Một cuộc khảo sát mới đây được tiến hành bởi Công ty Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư CONCETTI với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư tại 7 tỉnh, thành phố Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Tp.HCM, Cần Thơ và Sóc Trăng đã cho thấy nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin liên quan tới ODA.

Trong đó, khó khăn nhất là nhóm thông tin liên quan đến nhà tài trợ như: Nội dung đàm phán và thời điểm đàm phán hàng năm giữa Chính phủ Việt Nam với từng nhà tài trợ; các chương trình tài trợ và lĩnh vực ưu tiên; quy trình và thủ tục tiếp cận nguồn vốn; chiến lược, chính sách hỗ trợ quốc gia của từng nhà tài trợ.

Ít khó khăn hơn là nhóm thông tin liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển của các địa phương và các ngành kinh tế có liên quan; thông tin về định hướng thu hút và sử dụng ODA cho từng thời kỳ, thông tin về các văn bản pháp luạt về ODA và liên quan đến ODA.

Những con số cụ thể hơn minh chứng cho sự khó khăn trong việc tiếp cận thông tin liên quan tới ODA, theo nhóm tư vấn CONCETTI, 25% trong số 60 cơ quan chủ quản(các Bộ và các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc Quốc hội, UBND các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước) cho biết chưa bao giờ nhận được bản tin ODA từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó 20% cơ quan chủ quản không nắm được thông tin về tình hình xây dựng đề cương chi tiết và lập danh mục yêu cầu tài trợ. Có tới 80% (41 đơn vị) được khảo sát cho rằng họ thường gặp khó khăn trong quá trình thẩm định dự án vì sự phối hợp thiếu chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Theo khuyến nghị của nhóm tư vấn, vướng mắc cần sửa đổi để nâng cao hơn tính minh bạch trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA có liên quan đến sự cần thiết phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các cơ quan chủ quản từ khâu lập danh mục, thẩm định dự án, điều chỉnh, bổ sung văn kiện.

Cùng với đó, cần bổ sung hướng dẫn chính sách cho những vấn đề mới phát sinh như quản lý hợp đồng, loại hình viện trợ mới - kếp hợp công tư; làm rõ hơn một số định nghĩa và khái niệm trong Nghị định; rà soát và loại bỏ các thủ tục không cần thiết trong các khâu thanh toán, phê duyệt, kiểm soát chi làm chậm tiến độ thực hiện dự án ODA; triển khai mạnh các chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia trong các khâu của quy trình ODA, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp huyện.  

Một khía cạnh khác cũng được CONCETTI khuyến nghị là các cơ quan cần nghiên cứu sâu các nguồn vốn, các loại hình viện trợ mới, các nguồn vốn vay ít ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), của các nhà tài trợ khác, các phương thức kết hợp công tư (PPP) để đưa ra các nguyên tắc ứng xử, giải pháp thu hút, sử dụng các cơ chế, chính sách và hình thức quản lý phù hợp.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ hợp tác phát triển cộng đồng cho các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 11/1993, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA trên 15 năm. Trong thời kỳ từ 1993 - 2008, tổng giá trị vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ cho Việt Nam tại các Hội nghị CG thường niên đạt hơn 48,4 tỷ USD. Trong đó, tổng vốn ODA giải ngân trong thời kỳ này đạt 22,12 tỷ USD.

Tác giả: Hạnh Liên

Nguồn: VnEconomy