Nếu đề xuất trên của Bộ Tài chính được thông qua thì từ ngày 01/07/2018, mức thuế BVMT đối với xăng sẽ tăng kịch khung từ 3.000 đồng/lít như hiện nay lên 4.000 đồng/lít.

Lý giải cho đề xuất, Bộ Tài chính khẳng định xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, ngay cả khi không sử dụng, do đó, cần tăng thuế BVMT đối với xăng dầu để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường, nhất là khi giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam hiện đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Mặt khác, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm do các hiệp định thương mại đã ký kết. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là phù hợp với chủ trương và đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.

Vẫn biết rằng việc sử dụng xăng dầu là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hàng đầu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính còn nhiều điểm chưa thuyết phục, cụ thể:

- Việc tăng thuế chưa tính đến những tác động tiêu cực đến các ngành logistics, vận tải tại Việt Nam khi mà chỉ riêng giá xăng dầu đã chiếm đến 40% chi phí.

- Thuế BVMT không phải sắc thuế lũy tiến, do đó, tất cả các đối tượng đều phải chịu mức thuế như nhau và người có thu nhập thấp sẽ là nhóm đối tượng chịu tác động lớn hơn từ việc tăng thuế.

- Mặt khác, lý do cơ cấu lại nguồn thu, giá nhập khẩu xăng dầu giảm hay giá xăng Việt Nam thấp để tăng thuế BVMT đều tỏ ra không thuyết phục do không phản ảnh đúng bản chất của sắc thuế này.

Thiết nghĩ việc tăng thu phải đi đôi với chi tiêu hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu cân đối ngân sách bền vững; đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần công khai các số liệu chứng minh được hiệu quả bảo vệ môi trường của việc tăng thuế, có như vậy mới có thể nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Lê Thắng