Khi cuộc chiến cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống còn chưa có dấu hiệụ hạ nhiệt thì việc Grab thâu tóm lại Uber tại thị trường Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam, khiến người ta phải băn khoăn là thương vụ bạc tỷ này sẽ ảnh hưởng lớn như thế nào đến thị trường và liệu có dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh không?

Điều 18 Luật Cạnh tranh 2004 đã quy định rất rõ về trường hợp tập trung kinh tế bị cấm: “Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật”. Vậy Grab thâu tóm Uber có hợp pháp không? Có vẻ như câu trả lời hiện tại là “không” bởi theo kết quả điều tra sơ bộ mà Bộ Công Thương vừa công bố thì thị phần kết hợp của hai Công ty này sau khi sáp nhập tại Việt Nam đã vượt quá 50%.

Nhưng chỉ dựa theo tiêu chí thị phần giới hạn ở mức 50% đã là hợp lý? Trước tiên phải khẳng định rằng tập trung kinh tế là kết quả tất yếu của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, và chỉ khi việc tập trung kinh tế quá lớn dẫn tới độc quyền và hạn chế cạnh tranh mới cần đến bàn tay can thiệp của Nhà nước. Nếu so sánh thì Luật Cạnh tranh 2004 vẫn cho phép sự tồn tại của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường (có thị phần từ 30% trở lên) cho đến độc quyền (chiếm lĩnh 100% thị trường) miễn là doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó không lạm dụng vị thế để hạn chế cạnh tranh nhưng lại cấm việc tập trung kinh tế để tạo thành một doanh nghiệp chiếm 50% thị phần lại tỏ ra không mấy hợp lý.

Bởi vậy rất hoan nghênh khi dự thảo Luật Cạnh tranh mới đã có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về hành vi tập trung kinh tế khi quy định: “Cấm tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam”, nghĩa là dựa trên khả năng hạn chế cạnh tranh chứ không đơn thuần dựa trên thị phần. Và dĩ nhiên, để đánh giá khả năng tác động hạn chế cạnh tranh phải dựa trên hàng loạt tiêu chí mà dự thảo Luật cũng đã nêu ra như: thị phần kết hợp; lợi thế cạnh tranh; vị trí trong chuỗi cung ứng; khả năng tăng giá, tăng lợi nhuận sau khi tập trung; khả năng loại bỏ đối thủ cạnh tranh sau khi tập trung v.v.

Rất hi vọng Dự thảo Luật Cạnh tranh có nhiều hơn nữa những cách tiếp cận mới như trên để quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, thực sự đi vào đời sống; từ đó tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng trong bối cảnh mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với các đối thủ nước ngoài với lợi thế vượt trội cả về vốn lẫn công nghệ./.

Lê Thắng